Đám hỏi - đám cưới: chung hay riêng?

Thứ tư - 15/02/2017 02:27
Càng về sau, nghi lễ tiến hành hôn nhân càng được rút ngắn gọn cho phù hợp với nhịp sống gấp gáp và thời gian eo hẹp hay do khoảng cách địa lý không thuận lợi, đến mức nhiều cặp đôi còn muốn gộp chung đám cưới - đám hỏi làm một. Việc này có nên hay không?
Mai Hong Phuc Dam hoi dam cuoi



Đám cưới truyền thống của người Việt thường bao gồm 6 lễ: lễ nạp thái (nhà trai tỏ ý đã chọn nơi chốn), lễ vấn danh (lễ hỏi – nhà trai có người làm mối đến hỏi tên tuổi ngày sinh của người con gái), lễ nạp cát (báo cho nhà gái biết đã xem được ngày, được tuổi), lễ nạp tệ (mang đồ sính lễ sang hứa hôn chắc chắn), lễ thỉnh kỳ (xin ngày giờ rước dâu), và cuối cùng là lễ thân nghinh (lễ rước dâu hay lễ cưới).

Ngày nay, chúng ta đã rút gọn hết các lễ đến mức chỉ còn giữ lại lễ hỏi kết hợp với lễ nạp cát và lễ nạp tệ (để bàn chuyện hôn sự, thông báo ngày lành tháng tốt làm lễ cưới và mang sính lễ hứa hôn) và lễ cưới (rước dâu về nhà chồng).

Việc quyết định tổ chức lễ hỏi và lễ cưới chung hay riêng trong cuộc sống ngày nay chỉ còn phụ thuộc vào thời gian và quan niệm của mỗi gia đình vì xã hội hiện đại cũng đã khá thoáng trong các nghi lễ hôn nhân.

Khi đám hỏi và đám cưới riêng

Với nhiều gia đình ở quá xa nhau thì tổ chức lễ hỏi – cưới riêng sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và cũng sẽ tốn kém chi phí hơn. Chưa kể thời gian cũng là một vấn đề vì mất công đi đi lại lại, họ hàng khó có thể sắp xếp tham dự.

Khi bạn quyết định tổ chức đám hỏi và đám cưới riêng rẽ, thông thường ngày diễn ra đám hỏi sẽ cách đám cưới khoảng 1 tháng. Vào ngày đám hỏi, nhà trai sẽ mang lễ vật qua nhà gái hỏi cưới cô dâu, tặng nữ trang và thông báo về đám cưới.

Đám hỏi theo tục lệ là nhà gái sẽ lo khâu tổ chức tiếp đón nhà trai và ăn uống. Nhà trai ngoài trao lễ vật, mâm quả, nữ trang còn có thêm một số tiền tượng trưng cho nhà gái, hiểu nôm na là phụ tiền chiêu đãi hoặc có thể dùng tặng cho cô dâu chú rể. Và ngày đám hỏi thường số lượng khách tham dự chủ yếu là người thân, họ hàng và một số bạn bè thân thiết của cô dâu chú rể. Sau đám hỏi hay còn gọi là đính hôn, cô dâu vẫn chưa về nhà chồng.

Sau đó 1 tháng, đám cưới sẽ được diễn ra với lễ rước dâu và tiệc chiêu đãi ở nhà hàng. Cô dâu sẽ chính thức lên xe hoa về nhà chồng.

Hỏi – cưới chung một ngày

Nếu bạn tổ chức hỏi-cưới chung một ngày, tức là buổi sáng nhà trai qua nhà gái đưa sính lễ, hỏi cưới và rước dâu luôn. Buổi chiều tất cả cùng ra nhà hàng. Như vậy bạn sẽ không tốn quá nhiều chi phí cho hai lần đãi tiệc, hai lần mâm quả và hai lần thuê phương tiện di chuyển đưa đón khách mời, họ hàng. Chưa kể còn có những chi phí phát sinh khác.

Tuy nhiên, khi bạn tiến hành làm đám hỏi-đám cưới chung một ngày, cô dâu chú rể sẽ rất mệt bởi không có thời gian nghỉ ngơi trong ngày cưới.

Thực tế, vấn đề lớn nhất của chuyện tổ chức đá hỏi-đám cưới chung hay riêng luôn phụ thuộc vào ý kiến các bậc phụ huynh hai bên gia đình. Có những gia đình nhà gái khó có thể chấp nhận việc lễ hỏi – cưới gộp chung vào như vậy. Bởi một lý do rất chính đáng là muốn con gái mình cũng có được một đám cưới đàng hoàng, có đầu có đũa, chứ không phải gấp gáp vội vàng. Biết rằng làm chung sẽ đỡ tốn kém, đỡ công sức, nhưng đám cưới là ngày vui, bạn cần có sự thuận tình của cả cha mẹ hai bên để giữ cho niềm vui này được trọn vẹn, chứ không phải chỉ đơn giản là giữ lại một nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây